Tác giả khiếm thị Lê Dương Thể Hạnh

Tác giả khiếm thị Lê Dương Thể Hạnh

Chị Lê Dương Thể Hạnh là một diễn giả truyền cảm hứng, tác giả khiếm thị của 4 cuốn sách: Có một mặt trời không bao giờ tắt; The sun of love; Bình yên sau cơn bão và cuốn sách giành cho phụ nữ: “Sứ mệnh của hoa”. Là một trong 27 gương mặt được vinh danh trong đêm gala tỏa sáng nghị lực Việt cùng với diễn giả truyền cảm hứng Nick Vujicic khi mà anh sang Việt Nam vào tháng 5 năm 2014.

 


 

Vào buổi tối ngày 20/10/2021, chị đã tham dự và giao lưu cùng quý thầy cô giáo của công ty Kỹ năng sống Ichi Skill trong chương trình: “Nhắn gửi yêu thương 20/10” 
Phòng Truyền thông Ichi Skill xin gửi đến quý độc giả bài viết về tấm gương nghị lực của chị Lê Dương Thể Hạnh, đồng thời sẽ giúp các bạn có thể hiểu và đồng cảm về cuộc sống của người khiếm thị tại Việt Nam.
“Có một mặt trời không bao giờ tắt, chẳng còn đôi mắt em nhìn bằng trái tim”.
Đó là một câu hát mà dường như trẻ em khiếm thị nào cũng thuộc nằm lòng.
Đó cũng là tiếng lòng của một người phụ nữ khuyết tật, Lê Dương Thể Hạnh, tấm gương về nghị lực sống phi thường trong cộng đồng người khiếm thị Việt Nam.
Chị Thể Hạnh là con út trong một gia đình 6 anh chị em có truyền thống học tập tại Đà Lạt. Năm 2003, chị tốt nghiệp ngành tiếng Nhật, khoa Đông phương Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Trong lúc bạn bè đang loay hoay tìm kiếm việc làm thì Thể Hạnh đã nhanh chóng trở thành một phiên dịch viên kiêm thư ký tổng giám đốc một công ty Nhật Bản. 

 


Giông tố cuộc đời
Người con gái Đà Lạt vừa tài năng, vừa xinh đẹp trở thành niềm tự hào của cả gia đình, người thân và bạn bè cùng trang lứa. Năm 2007, trong lúc chị Thể Hạnh đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi tu nghiệp tại Nhật Bản thì chị lại nhận được lời cầu hôn.
Những tưởng trước mắt chị Thể Hạnh là một gia đình êm ấm với những đứa con ngoan cùng sự nghiệp vững vàng. Nhưng trớ trêu thay, căn bệnh u não quái ác đã cướp đi tương lai tươi đẹp của chị. Từ ngày ánh sáng rời bỏ chị Thể Hạnh ra đi thì mối tình 10 năm với người chồng sắp cưới cũng theo đó mà kết thúc bẽ bàng.
Chị phải trải qua 27 lần xạ trị và nhiều đợt phẫu thuật. Do sai phác đồ điều trị, sau khi mổ u não, khuôn mặt của Chị bị biến dạng, tai trái không còn nghe rõ, đôi chân của Chị không thể vững bước, khả năng phát âm cũng ảnh hưởng trên 80%. Đôi mắt của Chị không còn nhìn thấy gì nữa. Đau đớn thay, người chọn bác sỹ cho chị năm đó cũng là vị hôn phu của chị. Chủ động chia tay hôn phu để anh ấy tìm hạnh phục mới.




Quá đau khổ trước thực tại, chị Thể Hạnh cùng gia đình quay trở về Đà Lạt với hành trang là phần mềm hỗ trợ tiếng nói dành cho người mù trên điện thoại và máy tính, cùng lời nhắn nhủ chân tình của người thầy khiếm thị đầu tiên trong đời chị, thầy Nguyễn Quốc Phong – chủ nhiệm mái ấm Thiên Ân (TP.HCM): “Hãy nhớ, mù không phải là chấm hết. Những gì không thay đổi được thì cố gắng vui vẻ mà chấp nhận”.
Những năm tháng đó, chị Thể Hạnh chẳng khác gì một “đứa trẻ tuổi 30”, sống trong sự chăm bẵm và giúp đỡ của cả gia đình.
Bà Dương Thị Thuận, mẹ của Thể Hạnh, nhớ lại: “Ngày trở về Đà Lạt, Hạnh khóc suốt ngày, cả gia đình cứ khóc theo vì chẳng ai hiểu được Hạnh đang nói gì. Cơ miệng bị lệch sang một bên khiến con gái tôi không nói được, tay chân yếu không đi lại được, không ăn uống được. Tất cả mọi thứ Hạnh đều làm không được. Cả gia đình tôi hơn chục người luôn túc trực bên Hạnh, cùng nhau dồn hết tâm trí, sức lực để vực dậy sự sống của con tôi”.
Với nỗ lực riêng và tình yêu thương của gia đình, Chị đã vượt qua tất cả để chấp nhận thực tế bất toàn của bản thân và làm cho cuộc sống càng thêm ý nghĩa. Chị dành nhiều thời gian giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. "Mình còn may mắn hơn rất nhiều người là tuy chịu bệnh tật nhưng không phải bận tâm chuyện cơm áo hàng ngày".
Qua Internet, Chị trở thành giáo viên dạy tiếng Anh, Nhật miễn phí cho người khiếm thị ở Đà Lạt, Hà Nội, Phú Thọ và TP HCM. Chị cũng là giáo viên dạy tiếng Việt cho học trò ở Australia, Mỹ. Ngoài ra, Chị thành lập nhóm từ thiện Sắc Màu Hy Vọng để quyên góp, tổ chức chương trình cho người khiếm thính, khiếm thị. Các kế hoạch, hoạt động của nhóm được cập nhật lên website riêng với 3 thứ tiếng Anh, Nhật, Việt. 
Chị vẫn tự tìm tòi kiến thức và chiếc máy tính đã trở thành người bạn gắn bó với Chị. Ngày ngày chị vẫn miệt mài truyền cảm hứng sống tích cực qua những bài viết, bài livestream của mình. 

Chị Thể Hạnh đã chứng minh cho cuộc đời thấy rằng cho dù định mệnh có đẩy ta đến bờ vực của sự sống và cái chết thì bằng nghị lực và niềm tin, chúng ta vẫn có thể mạnh mẽ mà bước tiếp và cống hiến cho đời.
 



 

Ichi Skill xin kính chúc chị: 
“365 ngày đều là những ngày vui vẻ, hạnh phúc, tràn ngập yêu thương và vạn sự như ý”.

           

 
Giỏ hàng (0)