Nói về nghề giáo viên, ai cũng nghĩ rằng giáo viên là chỉ để dạy học sinh, sinh viên các ngành nghề … nhưng đối với tôi truyền đạt thông tin mới và mang đến cho bà con nông dân những quy trình, những kiến thức về sản xuất cây trồng hướng an toàn cho con người và bảo vệ được côn trùng, môi trường sống cũng là một giáo viên. Khi tham gia được ngôi nhà Ichi skill ý nghĩa và ấm áp, tôi rất lấy làm hạnh phúc vì từ đây về sau tôi sẽ mang thêm được những điều hay ý nghĩa, những trải nghiệm sống chia sẻ cho các em học sinh sau này và hy vọng ươm mầm được đội ngũ thành công, đội ngũ tri thức sau này và các em sẽ trở thành những con người hữu ích và thành công trong cuộc sống dù bất cứ cấp độ nào trong xã hội. Thông qua bài này, thật lòng tôi không nghĩ là một bài dự thi mà là một trải lòng cảm xúc và lời bài tỏ cảm ơn đến ngôi nhà yêu quý.
Tôi còn nhớ rất rõ, sáng ngày 10 tháng 10 năm 2009 cầm mảnh bằng trên tay không người thân chào đón sau buổi lễ tốt nghiệp đại học như các bạn sinh viên khác vì tôi là một sinh viên mồ côi, ba mẹ tôi đã qua đời khi tôi thi hết học phần một nhất năm nhất đại học. Cầm mảnh bằng trên tay tôi vừa mừng vừa tủi: Mừng vì bao cố gắng một sinh viên mồ côi đã được thành tựu, mừng vì từ đây mình có thể dùng nó kiếm cơm không phải ăn cơm dồn sau mỗi buổi cơm phụ cô chủ trọ tốt bụng nữa; tủi vì không được như các bạn khác có ba mẹ chào đón tiếng cười la ý ới, gọi nhau chụp hình rồi ôm nhau khóc… Có lẽ đó là hình ảnh đẹp nhất của đời sinh viên Việt Nam hay của dân tộc Việt Nam hiếu học.
Đối với các bạn đánh dấu mốc cuộc đời hằng năm bằng ngày sinh nhật thì với tôi cái mốc ngày 10 tháng 10 là cái mốc yêu quý nhất vì nó là ngày tôi thoát cảnh bữa đói, bữa no, là ngày có một niềm vui trọn vẹn khi được công ty thuốc bảo vệ thực vật Tân Thành tại Cần Thơ gọi làm việc.
Trong đầu tôi khi này, chỉ nghĩ mình dùng khoản tiền lương vào việc trả nợ linh tinh thời sinh viên, mua thật nhiều gạo ngon, thực phẩm dự trử, tìm một phòng trọ ấm áp và bỏ một ít vào heo tiết kiệm mỗi tháng cũng như một khoản tiền mời anh chị tôi ăn mừng. Thật lòng, tôi chưa nghĩ ra mình sẽ trải nghiệm và được thế nào trong nghề.
Trong đầu tôi còn in hằng kỷ niệm tôi đứng lớp hội thảo khoảng 50 nông dân để truyền đạt thông tin mới đến bà con tại Công Sự thuộc huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Vì là vùng nước mặn đang chuyển đổi dần từ nuôi thủy sản sang mô hình lúa – thủy sản, bà con rất chăm chú xem bài thuyết trình của tôi. Về phần tôi, tôi rất làm hạnh phúc và hồ hởi khi nhìn đôi mắt chất phát nhuốm màu nắng sương, làn da nâu rám cần cù vì lao động, mái tóc luôn luôn muối tiêu khô cháy. Tôi vừa vui vừa thấy buồn cười với vẻ ngoài của họ một cái cười thân yêu. Tôi vận dụng tất cả những kiến thức có được trên khóa đại học công nghệ sinh học và kiến thức đã trải nghiệm thực tế trên nhiều mãnh ruộng và vùng đất khác nhau, cùng với những ngôn từ địa phương mộc mạc, gần gũi cho bà con dễ hiểu. Nào là: cá dô (cá rô), con dắn (con rắn), xịt thuốc (phun thuốc), mần cỏ (làm cỏ)…. Điều đáng nhớ là bà con luôn chăm chú và đặt nhiều câu hỏi về cách phòng trị : sâu, bệnh, rầy… với nét mặt tươi cười không nói chuyện riêng như những nơi khác. Rồi những câu hỏi về cách trị 1 hecta dưa leo chết khùng, chết điên (chết héo cây con), những cách trị ngộ độc thuốc cho 2 hecta dưa hấu, rồi cách trị bệnh xì mủ thân sầu riêng.
Cuối buổi, tôi được bà con mời lại dùng bửa cơm thân mật với nào là: cá sặc nấu canh bông súng - điên điển, dắn thui, cá dô U Minh kho tộ, cùng với rượu pha mật ông tràm U Minh cùng với ca nước dừa dứa và một đĩa khóm Tắc Cậudành riêng cho tôi. Tiệc cơm rất vui đang diễn ra, bỗng chốc có một chú mà người dân gọi là chú Danh Đù đứng lên cầm ly rượu mời tôi và phát biểu giọng nửa Việt, nửa Campuchia: “Dơ! Tôi thay mặt mọi ngừ ở đây cám ơn ông kỹ sư đã chỉ cho tụi tôi cách mần lúa, mần dưa leo. Chứ ở đây tụi tui mần thất quài à. Tụi tui hy vọng, ông kỹ sư mau mau quay lại nửa để chỉ cho tụi tui trị bệnh trên dưa leo trên lúa. Chứ ở đây ít có ông kỹ sư nào tớ đây. Cám ơn ông nghe.” Nói xong, tay chú cầm ly rượu 30ml uống nửa ly và đưa tôi nửa ly. Tôi cầm ly rượu, tay tôi chạm vào tay chú cứng sừ, thô rám, đen nhẽm. Miệng tôi cũng cạn ly và nở nụ cười nhưng lòng tôi đã đông đầy nước mắt vì sự khao khác trúng mùa khao khát có được người hướng dẫn canh tác theo qui trình mới, vì câu nói của chú Danh Đù. Ngay lúc đó, tôi bỏ hẳn ước mơ sau này quay lại học nghề y và trong tôi lóe lên suy nghĩ: “Thay vì trị bệnh người thì mình trị bệnh cây trồng cũng giúp được mọi người”.
Hai tháng trôi qua, sau chuyến công tác nhiều nơi tôi đã quay về công ty nhưng rất vui thay bà con lại tìm đến tận công ty, người mang theo 1 bao dưa leo, người mang 1 bao dưa hấu, người mang khóm, người mang gạo một bụi đỏ đến tận công ty tìm tặng tôi. Niềm vui không chỉ thế mà còn rất nhiều vì tình cảm của bà con Miền Tây sông nước, chất phát thật thà tôi không sao nói hết.
Hiện tại, vì vật đổi sao dời trong nghề và tôi không còn được tiếp tục dạy nông dân các quy trình canh tác mới nhưng thay vào đó tôi được trainning và sắp được truyền đạt cho các em học sinh những kỹ năng sống rất hữu ích sau này và tôi đang mong chờ vào sự nghiệp: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” của mình.
Cuối lời, tôi một lần nữa cảm ơn sâu sắc ngôi nhà thân yêu Ichi skill đã tạo điều kiện cho tôi cống hiến, đeo đuổi lý tưởng và có thêm nhiều kỹ năng để truyền đạt cho con, cháu tôi và các em học sinh sau này.